SỰ
BỨT PHÁ KỲ DIỆU CỦA MỘT NGÔI TRƯỜNG
Chỉ tới khi có sự
kiện: Một ngôi trường thuộc diện khó khăn ở ngoại thành Hà Nội, nhưng cùng lúc
có 2 thủ khoa đậu vào 2 học viện “đỉnh” nhất – sánh ngang với các trường chuyên
tên tuổi của nội thành – thì lúc đó, cái tên Trường THPT Trung Giã mới có nhiều
người biết và ngưỡng mộ.
Đâu biết rằng, để có được trái ngọt đầu mùa
ấy là cả một quá trình nỗ lực vượt khó của thầy và trò nơi đây.
Ngôi trường ở “ngã ba”
Cách trung tâm TP.Hà Nội 45km về phía tây,
Trung Giã vốn là địa danh như người ta thường nói: Một tiếng gà cả ba tỉnh đều
nghe (là Hà Nội, Thái Nguyên và Bắc Giang).
Trung Giã nổi tiếng là một căn cứ cách mạng
của Đảng ta. Chính nơi đây, vào thời gian từ 4 – 27.7.1954 đã diễn ra hội nghị
giữa đoàn đại biểu Bộ Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam và đoàn đại biểu
Bộ Tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương nhằm bàn các vấn đề quân sự do Hội
nghị Genève đặt ra (ngừng bắn, tập kết, tù binh…).
Xuất phát từ một vùng đất giàu truyền thống
cách mạng như trên, Trường THPT Trung Giã ra đời vào ngày 19.5.1999 (tách từ
khỏi Trường THPT Đa Phúc), đồng thời đứng trước muôn vàn khó khăn. Đây là
trường công lập thứ tư ở huyện Sóc Sơn, quy tụ học sinh 5 xã vào bậc xa nhất,
nghèo nhất của thủ đô. Chính cái xa xôi, nghèo khó, lại thêm cái “mới” của một
trường vừa thành lập mà trong vài năm liền luôn xảy ra tình trạng “chảy máu
chất xám”. Nhớ về quãng thời gian đó, thầy Tống Giang Phúc – Phó hiệu trưởng –
bùi ngùi: “Ngày ấy, hầu như không ai muốn gắn bó với mảnh đất cằn cọc này, thầy
cô giáo có năng lực về đây được 1 – 2 năm là xin chuyển về Hà Nội hoặc cùng lắm
cũng xin về các trường khác trong huyện. Còn học trò, cô cậu nào học khá là phụ
huynh tìm mọi cách để xin vào các trường nổi tiếng”.
Thêm vào đó, điểm tuyển sinh vào lớp 10 gần
như thấp nhất huyện Sóc Sơn cũng như của thành phố. Cơ sở vật chất lại thiếu
thốn . Dân 5 xã Nam Sơn, Bắc Sơn, Hồng Kỳ, Tân Hưng, Trung Giã phân bố trên địa
bàn đồi núi rộng, chủ yếu làm nông nghiệp, nên đời sống còn rất khó
khăn. Hiện nay, dù đường sá đã thuận tiện hơn, nhưng chúng ta hẳn sẽ phải khâm
phục ý chí vượt khó của những bạn ở vùng đồi núi Bắc Sơn vẫn phải đạp xe hơn
16km trên đường “đá nhiều hơn nhựa” đến trường.
Những gặt hái ban đầu
Trong vài năm đầu, từ một trường có điểm
tuyển sinh vào lớp 10 thấp nhất toàn huyện Sóc Sơn, đến nay Trường THPT Trung
Giã là trường có điểm đầu vào thuộc tốp trên của huyện (sau Trường THPT Đa Phúc
và Sóc Sơn). Nhờ vậy, chất lượng học sinh cũng dần tăng. Trong 3 năm (2006 –
2009), trường luôn nằm trong top 200 trường có điểm thi trung bình kỳ thi đại
học cao nhất cả nước. Kỷ niệm 10 năm thành lập, trường đã tự hào đạt thành tích
8 năm tiên tiến, 2 năm tiên tiến xuất sắc, một năm được Nhà nước tặng bằng khen.
Năm học 2010 – 2011, trường lại có những niềm vui dồn dập mới: Cùng lúc có 2
học sinh lớp 12A1 của trường đỗ thủ khoa Học viện Tài chính và Học viện Ngân
hàng. Đến thời điểm mà chúng tôi có mặt, thầy Phúc cho biết: “Theo như chúng
tôi dự kiến, ở nguyện vọng 1 lớp 12A1 sẽ đỗ khoảng 90%, 12A2 đỗ khoảng 80%, lớp
12A3 cũng đỗ khoảng 50%…”.
Thầy Phúc cũng bày tỏ quan điểm của nhà
trường: “Những năm trước, các em giỏi đều chuyển về trường Đa Phúc, trường
huyện hay chuyển vào nội thành. 4 năm trở lại đây đã có hiện tượng học sinh
chạy ngược. Bây giờ, trường không còn lo học sinh chuyển đi nữa. Bà con 5 xã ở
đã tin tưởng vào chất lượng giảng dạy của nhà trường”.
Ông Nguyễn Trọng Đệ – phụ huynh thủ khoa
Nguyễn Khánh Linh – cho biết: “Cả 3 năm, ngoài học thêm tuần 4 buổi ở trường,
Khánh Linh chẳng phải học thêm ở đâu nữa”. Đây có lẽ là điều đặc biệt so với
hầu hết các trường phổ thông không chỉ ở thủ đô mà trên cả nước: Toàn bộ học
sinh của trường đều đăng ký học thêm tại trường, chứ không tham gia luyện thi
hay thuê gia sư nữa. Ngược lại, nhà trường cũng tạo điều kiện để mọi học sinh
đều được học phụ đạo. Trong khi giá tiền thuê gia sư hoặc ôn tại “lò luyện” cả
trăm ngàn đồng/buổi thì trường chỉ thu 3.000 đồng/tiết học. Thậm chí, có thời
điểm nhà trường chỉ thu “gọi là” có thu với chỉ 500 đồng/buổi học.
Nếu như khi vừa thành lập, Trường THPT
Trung Giã chỉ có 14 lớp thì hiện nay trường đã có 30 lớp học. Nếu như khóa đầu
tiên nhà trường chỉ có 3 học sinh đỗ nguyện vọng một, thì đến hiện nay đã có
trên 100 học sinh đỗ thẳng vào các trường đại học, học viện lớn trên cả nước…
Lịch sử chưa phải là dày, thành công chưa phải là nhiều, nhưng những gì mà
Trường THPT Trung Giã đã đạt được thật xứng đáng là một điểm sáng trong ngành
giáo dục của thủ đô.
Theo PLXH